• T2. Th3 27th, 2023

Thị trường điện ảnh Việt Nam sôi nổi trong những ngày qua

Thị trường điện ảnh Việt Nam sôi nổi trong những ngày qua

Điện ảnh Việt đã và đang cố gắng rất nhiều để nâng tầm với điện ảnh thế giới. Các bộ phim gần đây được đầu tư kinh phí, diễn viên và chất lượng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, không phải cứ đầu tư khủng thì sẽ nhận lại “doanh thu khủng” như mong muốn. Ngoài những bộ phim thu về cả trăm tỷ đồng điển hình như “Bố già” hay “Lật mặt 48h”, không ít phim bị khán giả đánh giá thấp và thua lỗ hàng chục tỷ như “Cậu Vàng”, “Kiều”… Đây là những tổn thất rất lớn mà cả ekip đoàn phim và đạo diễn phải chịu khi cạnh tranh trên thị trường phim Việt đang rất sôi nổi như bây giờ.

Cuộc đua phòng vé của phim Việt trong tháng 4

Bố già” đầu tư 20 tỷ đồng, thu hơn 400 tỷ đồng. Trong khi “Sám hối” chi 50 tỷ đồng, doanh thu bán vé thu về chỉ hơn 1,2 tỷ đồng.

Do nhiều lần đóng cửa vì dịch, điện ảnh Việt từ Tết đến nay diễn ra trong thời gian ngắn. Cụ thể là từ trung tuần tháng 3 đến những ngày đầu tiên của tháng 5 sau kỳ nghỉ lễ. Dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng thị trường điện ảnh đã sôi động theo cách chưa từng có.

“Bố già” đầu tư 20 tỷ đồng, thu hơn 400 tỷ đồng.

Chưa đầy hai tháng nhưng có ít nhất là hai cuộc đua phòng vé. Một phim đã vượt doanh thu 400 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử là Bố già. Bố già cũng là cái tên thứ 13 trong “câu lạc bộ phim Việt doanh thu trăm tỷ đồng”. Trong khi Lật mặt: 48h ra rạp vào tháng 4 là cái tên thứ 14, phim cán mốc 150 tỷ đồng doanh thu. Cả Lật mặt: 48h lẫn Bố già đều được đánh giá là thắng lớn.

Những phim Việt có doanh thu trăm tỷ

14 phim Việt có doanh thu trên 100 tỷ đồng: Lật mặt 48h, Bố già, Chị mười ba: 3 ngày sinh tử, Gái già lắm chiêu 3, Cua lại vợ bầu, Mắt biếc, Tiệc trăng máu, Em chưa 18, Hai Phượng, Lật mặt 4: Nhà có khách, Trạng Quỳnh, Siêu sao siêu ngố, Em là bà nội của anh và Để Mai tính 2.

Kiều Minh Tuấn trong Em chưa 18

Tất cả các phim đều thông báo doanh thu hoặc có thể kiếm chứng từ đơn vị kiểm toán độc lập Box Office Vietnam. Tuy nhiên, về kinh phí đầu tư, chỉ có 8/14 phim công khai con số.

Trong đó, không có phim nào có mức đầu tư trên 30 tỷ đồng. Cao nhất là phim Em là bà nội của anh với 25,4 tỷ đồng kinh phí, doanh thu là 102 tỷ đồng. Bố già và Hai Phượng cùng có chi phí sản xuất là 23 tỷ đồng.

Cua lại vợ bầu là bộ phim thành công trong 2020

Trong danh sách những phim công bố tiền đầu tư, Em chưa 18 là phim có chi phí thấp nhất. Phim do Lê Thanh Sơn đạo diễn có kinh phí 12 tỷ đồng, doanh thu phòng vé là 171 tỷ đồng.

Lật mặt 4: Nhà có khách của Lý Hải ngốn 17 tỷ đồng, bán vé được 117,5 tỷ đồng.

Đến phần 5 mang tên Lật mặt: 48h, Lý Hải không thông báo kinh phí thực hiện. Song, tác phẩm thuộc thể loại hành động, nhiều đại cảnh nên chi phí được cho là không nhỏ. Phim đã thu 150 tỷ đồng, cao nhất trong series 5 phần của Lật mặt.

Kinh phí phim Việt ngày càng được đầu tư

Mặt bằng kinh phí sản xuất của phim Việt những năm gần đây dao động khoảng 15-25 tỷ đồng.

Các phim đầu tư trên dưới 20 tỷ đồng trong “câu lạc bộ phim trăm tỷ” còn có Trạng Quỳnh (đầu tư 22 tỷ đồng, doanh thu 100 tỷ đồng), Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử (đầu tư 20 tỷ đồng, doanh thu 103 tỷ đồng), Gái già lắm chiêu 3 (đầu tư 20 tỷ đồng, doanh thu 165,5 tỷ đồng).

Những con số “khủng” trên cho thấy tín hiệu đáng mừng của điện ảnh Việt. Khi các nhà làm phim đã bắt đầu đẩy mạnh kinh phí sản xuất, diễn viên. Từ đó tạo ra bộ phim có các bối cảnh, cảnh quay mãn nhãn.

Đạo diễn Lý Hải bày tỏ: “Không làm thì thôi, còn đã làm phải làm cho đã. Nếu không có sự thay đổi, lần này giống lần trước, khác gì “giậm chân tại chỗ”. Tôi muốn sản phẩm tiếp theo phải chất lượng hơn sản phẩm trước, số tiền đầu tư vì thế cũng ngốn nhiều hơn. Tôi không thể tiết lộ con số cụ thể, nhưng tôi tin rằng, với sự đầu tư nghiêm túc và chất lượng, Lật mặt: 48 giờ sẽ khiến khán giả bị cuốn hút”.

Rủi ro khi mức đầu tư quá lớn

Thông thường một phim đầu tư 20 tỷ đồng, doanh thu cần phải đạt khoảng 40 tỷ đồng để hòa vốn, tức gấp đôi kinh phí đầu tư. Khi một phim đầu tư khoảng 15-25 tỷ đồng và cán mốc doanh thu phòng vé 100-150 tỷ đồng, phim được coi là thắng và thắng lớn.

Song, ngoài 14 phim qua mốc doanh thu 100 tỷ đồng cùng một vài phim có lãi, một vài phim hòa, không ít phim thất bại thảm hại dù đầu tư 20-30 tỷ đồng.

Sự thất bại của Võ sinh đại chiến

Hồi đầu năm, nhà sản xuất Thái Bá Dũng của phim Võ sinh đại chiến cho Zing biết phim này đầu tư 25 tỷ đồng và lỗ lớn khi chỉ thu được 1,4 tỷ đồng.

Sự thất bại của Võ sinh đại chiến

“Tổng số vốn chúng tôi đầu tư cho phim khoảng 25 tỷ đồng. Khi ra rạp, để hòa vốn, phim phải thu 55 tỷ đồng. Phim chỉ thu được 1,4 tỷ đồng thì lỗ lớn là đương nhiên. Một bộ phim khi ra rạp, nhà phát hành đã lấy 55% doanh thu. Tuần thứ 2 là 60%, tuần thứ ba là 65%. Ngoài ra, rạp còn lấy 10% phí phát hành. Người ta nhìn vào con số 100 tỷ đồng200 tỷ đồng của một số phim và cho rằng đầu tư phim ảnh dễ kiếm tiền. Ngược lại, đầu tư phim vô cùng mạo hiểm”, nhà sản xuất Võ sinh đại chiến nói.

Cùng thời điểm với Võ sinh đại chiến, đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ phim Người cần quên phải nhớ của anh bán vé được 1,9 tỷ đồng và lỗ 23 tỷ đồng.

Doanh thu của Cậu vàng thua xa mức đầu tư

Cậu Vàng có kinh phí được cho là 20 tỷ đồng nhưng doanh thu phòng vé dừng ở mức 3,7 tỷ. Thảm bại hơn, Kiều do Mai Thu Huyền sản xuất có mức đầu tư được thông báo là 30 tỷ đồng nhưng chỉ thu được 2,7 tỷ đồng trước khi rời rạp. Nhà sản xuất chia sẻ với truyền thông: “Lỗ là chắc chắn”.

Sự thất bại của Sám hối

Một phim khác có kinh phí đầu tư thậm chí lên tới 50 tỷ đồng theo công bố của nhà sản xuất là Sám hối, ra rạp hồi đầu năm. Đây là phim võ thuật có nhiều cảnh hoành tráng, ngốn tiền nhưng phim thất bại về doanh thu.

Với 50 tỷ đồng, Sám hối là một trong những phim Việt có mức đầu tư cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, theo số liệu từ Box Office, phim chỉ thu về 1,2 tỷ đồng, lỗ nặng so với chi phí sản xuất.

Sự thất bại của Sám hối

Ngoài Sám hối, từ đầu năm đến nay, một số phim Việt cũng có mức đầu tư cao. Trong đó có Trạng Tí do Ngô Thanh Vân sản xuất. Phim được công bố có kinh phí sản xuất 43 tỷ đồng và mới thu được 17,5 tỷ đồng tiền bán vé.

Trạng Tí cần khoảng 70 tỷ đồng nữa mới chạm mức hòa vốn. Cùng với Thiên thần hộ mệnh, Trạng Tí được cho là sẽ chiếu tiếp khi rạp mở cửa trở lại. Do vậy, cơ hội của cả hai phim đều còn.

Thị trường điện ảnh Việt qua nhận định của nhà sản xuất nước ngoài

Aaron Toronto – người tham gia sản xuất, phó đạo diễn trong một số phim Việt. Anh cho biết thị trường Việt Nam hiện nay được đầu tư nhiều hơn. Sản xuất phim vẫn mang lại lợi nhuận cao nếu phim thắng. “Chẳng hạn, nhà sản xuất Bố già bỏ một triệu USD làm phim nhưng đã thu được gần 400 tỷ đồng”, anh nói.

Song Aaron Toronto nhận định ở thị trường điện ảnh Việt một triệu USD có thể sản xuất phim tốt. Trong khi ở Mỹ, số tiền này “như muối bỏ bể”.

Đồng quan điểm, nhà sản xuất phim người Ấn Độ Ramani Raja nói với Zing: “So với Ấn Độ mức đầu tư 50 tỷ đồng là nhỏ xíu, một con tép, bên đó đầu tư ít nhất là 10 triệu USD và sẽ thắng lớn. 50 tỷ đồng mà so với Ấn thì… châu chấu đá xe”

Về doanh thu, nhà sản xuất phim Ấn Độ cũng cho rằng 100 tỷ đồng ở Việt Nam thì rất ổn, còn với nước ngoài thì doanh thu đó vẫn thấp.

“Bên Ấn Độ mà thắng thì doanh thu lớn hơn thế nhiều, ‘dữ’ đó, không thường đâu. Số dân là một lợi thế, bên đó đông dân. Ngoài ra, khán giả Ấn Độ đi chơi là xem phim, xem phim là chính, đó là văn hóa rồi. Nhiều phim Ấn ‘giết’ được cả phim Hollywood, không phải chuyện đơn giản. Nhưng để có vị trí như vậy, không chỉ là số dân. Quan trọng là Bollywood đã có giai đoạn đầu tư rất nhiều mới ra được thế giới. Đầu tư về câu chuyện, tiền bạc, kịch bản và cả thương hiệu, có vậy người ta mới xem”. Ramani Raja so sánh.

Kinh phí có tác động đến thành công của bộ phim

Thực tế, nhiều phim kinh phí hàng triệu USD, nhưng nội dung dở, vẫn “ngã ngựa” đau đớn. Thế mới cần có điều kiện đủ là nội dung phải hay. Tuy nhiên, điện ảnh Việt hiện nay luẩn quẩn những đề tài cũ, người viết kịch bản giỏi không nhiều. Các nhà sản xuất luôn muốn chọn đề tài gai góc nhưng khó được lòng số đông. Chỉ khi nào “nút thắt” được gỡ, mới mong có tác phẩm trọn vẹn”.

Kinh phí có tác động đến thành công của bộ phim

“Đương nhiên là đổ tiền vào phim sẽ không làm phim hay hơn. Nhưng nếu có kịch bản, diễn viên, ê-kíp tốt mà không có tiền khó mà thể hiện tác phẩm tốt. Điều gì có thể đẩy kinh phí một phim lên cao, đó chính là thời gian quay. Nhiều phim vì không có kinh phí nên buộc ê-kíp phải quay nhanh, quay gấp, quay cho xong. Nếu có kinh phí, có nhiều thời gian quay hơn, tạo điều kiện để phim tốt hơn, chỉn chu hơn. Tiền bạc trong điện ảnh vẫn là yếu tố cần phải có”, đạo diễn Thiên thần hộ mệnh nhấn mạnh.

Điện ảnh Việt trong thời gian tới hứa hẹn sẽ đem lại cho khán giả những bộ phim đầy mới mẻ và hấp dẫn. Xong, những vấn đề xoay quanh áp lực doanh thu trăm tỷ vẫn là vấn đề đáng lo của nhà làm phim.

Nguồn: zingnews.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *